Chẳng biết có phải ông thầy phong thủy "hóa giải" hay "trời thương" không "đùa giỡn" với người dân xóm Đầu, thôn Sơn Quả (xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang)nữa hay không, sang năm 2007, hiện tượng gia súc bốn chân chết "bất thình lình" đã được xóa sổ, sau tròn 10 năm rõng rã.
Giờ, xóm Đầu đã trở lại như bao thôn xóm khác, đường thôn, ngõ xóm cũng đầy phân trâu phân bò, và những cái ao làng bắt đầu ô nhiễm vì nước thải nuôi lợn chưa được xử lý!
Chủ tịch xã Trần Quang Hán phấn khởi kể: " Xóm Đầu đã nuôi lại được gia súc bốn chân rồi. Có cả mô hình trang trại nuôi lợn quy mô lớn, nhiều nhà có cả đàn trâu, đàn bò chục con trong chuồng..., vui lắm".
Đích thân ông phó thôn dẫn tôi đi mục sở thị những con vật bốn chân đã "sống" được ở xóm Đầu sau 10 năm bị... "ma ám". |
Rồi, để "thêm một lần khẳng định", chủ tịch xã Lương Phong gọi điện cho anh cán bộ thú y xã Đoàn Văn Tứ, người thôn Sơn Quả đưa chúng tôi đi mục sở thị.
Nhà anh Tứ ở ngay đầu làng, cách "làng ma ám" xóm Đầu ngày xưa vài trăm mét. Anh Tứ bảo: chuyện ngày xưa lạ lắm, lúc ấy tôi là bác sỹ thú y, chỉ lo chữa gia súc ở xóm Đầu mà đã chẳng còn thời gian làm việc gì. Còn hơn bệnh dịch, vì nó dai dẳng triền miên chục năm trời, lại không tìm được nguyên nhân của bệnh.
Khi ấy, những vật nuôi bốn chân ở xóm Đầu đều chung một biểu hiện trước khi chết: chúng đều rất khỏe mạnh, không bị tật bệnh, chỉ lên cơn rống lên vài phút thì chết; có đàn lợn còn "phi" qua cả cửa chuồng cao hơn mét, ra đến giữa sân thì giãy đành đạch. "Những bệnh ấy thuộc về bệnh não" - anh Tứ kết luận.
Xóm Đầu đã có thể chăn nuôi quy mô trang trại để làm kinh tế hộ gia đình. |
Con đường vào xóm Đầu vẫn còn nguyên màu đất gan gà của vùng trung du. Cánh đồng lúa thì con gái xanh rì, ngút mắt. Cuối ngày, nắng chiều chếch nghiêng càng khiến những con bò đang thủng thẳng gặm cỏ nổi bật giữa nền xanh của lúa con gái tựa như những hạt đỗ tương ai đó rắc ra một cách không chủ ý.
Những đàn trâu, đàn bò khác đã no cỏ, được chủ lùa về cột ở rệ đường, thủng thẳng nằm nhai lại.
Ông phó thôn Lưu Văn Lần nhẩm tính: cả thôn giờ đàn lợn thì không tính hết, chó mèo nhà nào cũng nuôi vài con, còn trâu bò cũng lên tới cả trăm con, có nhà nuôi cả đàn.
Người dân bắt đầu chăn thả bèo để nuôi lợn... |
Tuy nhiên, đã có những lời phàn nàn vì nhiều hộ nuôi lợn để phân thải tràn ra ngoài, gây ô nhiễm ao làng, ngõ xóm - những điều mà 10 năm trước đó xóm Đầu có "nằm mơ" cũng không được... |
Ông Lần đích thân đưa chúng tôi qua nhà anh Khánh, hộ nuôi lợn quy mô trang trại lớn nhất xóm. Đàn lợn siêu nạc vài chục con, anh Khánh nuôi trong ba dãy chuồng bằng cám công nghiệp, có đường ống dẫn nước đến từng máng.
Đàn lợn này, cứ vài ba tháng anh lại xuất được một lứa, sản lượng lên đến cả chục tấn. Làng quê cảm giác như thêm chật chội, vì dọc đường vào làng, cứ phải dừng xe tránh con trâu, con bò lơ đễnh nằm giữa đường, không chịu tránh...
Một cụ già tôi gặp ở ngay cái ao sau nhà chủ trại lợn tên Khánh, xoắn xuýt bảo: các anh kiến nghị thế nào để cái ao này nó không bị ô nhiễm nữa, chứ cứ ngày mưa, nước ngập vào hết sân nhà hàng xóm, toàn mùi phân lợn hôi thối lắm!
Cuộc sống êm đềm trở lại. Ngôi miếu trong xóm được bà con tu sửa để làm chốn tâm linh chung cho cả xóm, không còn bị "đổ vấy" là nguyên nhân "vật cổ chết" đàn gia súc bốn chân của cả làng nữa.
Ông Lần bảo: nói anh không tin, chứ cái đận ấy, các nhà báo tìm về hỏi chuyện tôi nhiều lắm. Xóm Đầu nổi tiếng ra tận thế giới. Mấy cháu trong xóm đi xuất khẩu lao động bên nước ngoài gọi điện về hỏi thăm tình hình vì đọc báo nên biết chuyện.
"Không phải nói ngoa, nhưng cái bình gốm cắm hoa của nhà tôi, trong một tuần đã đầy chặt cac-vi-dit của các phóng viên, báo đài về hỏi chuyện. Một anh phóng viên vẫn thường hay liên lạc với tôi, và vẫn hứa hẹn, hôm nào đó sẽ về lại xóm Đầu để viết về "xóm Đầu nuôi lại được trâu bò".
Tôi cũng mong, là xóm Đầu sẽ mất đi cái tiếng "làng ma ám", chứ không thì cũng buồn lòng lắm" - ông cán bộ xóm hiền lành bảo.
No comments:
Post a Comment