Nhiều loại sữa hộp, thực phẩm còn hạn sử dụng ngắn được chuyển về chợ quê tiêu thụ.
Hàng rởm vẫn được ưu ái...
Tại buổi chợ phiên xã Hải Minh (huyện Hải Hậu, Nam Định), hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện diện tại nhiều gian hàng, từ bim bim, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em... đến các mặt hàng gia đình như bỉm, giấy ăn, băng vệ sinh... đều đóng gói sơ sài, không có tên, địa chỉ rõ ràng nhà sản xuất, không có hoặc gần hết hạn sử dụng... Nhưng cảnh mua bán vẫn diễn ra rất sôi nổi, dường như người mua không có sự thắc mắc về nguồn gốc, chất lượng mặt hàng...
"Thực phẩm rởm, không rõ nguồn gốc, được bảo quản bằng hóa chất... có tác hại rất lớn đối với sức khỏe con người. Những độc tố trong thực phẩm sẽ tích lũy dần trong cơ thể, tạo nên những "cái chết chậm"... Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường thường quá mỏng, thiếu những kiến thức về thực phẩm, hóa chất, không thể xác định được đâu là thực phẩm thật, giả, độc hại đến đâu, như thế nào..." . PGS.TS Trần Đángnguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) |
Tại một sạp bán thực phẩm khô - đông lạnh, người bán hàng cho biết, chị bán nhiều loại hải sản như mực ống, chả cá, cá thu cắt lát... nhưng không hề có hệ thống bảo quản lạnh, tất cả sản phẩm đều đóng gói sơ sài, không hạn sử dụng. Khi phóng viên thắc mắc "hàng đông lạnh sao phơi ngoài nắng thế này?", chị bán hàng ngạc nhiên trả lời: "Tôi mua hàng về cất vào tủ lạnh ở nhà, sáng mang ra bán, bán không hết thì lại mang về nhà cất vào tủ lạnh. Tôi vẫn bán thế, có ai hỏi gì đâu?".
Tương tự, nhiều loại sữa tươi, sữa đậu nành... đã gần hết hạn sử dụng vẫn bày bán la liệt dưới ánh nắng mặt trời, bụi phủ mờ, nhưng người mua chỉ hỏi giá rồi trả tiền, không hề xem đến nhãn mác và hạn sử dụng trên sản phẩm. Các loại bim bim, bỉm trần... ở chợ có giá rẻ hơn rất nhiều so với mức giá chung ở siêu thị, đại lý lớn, như bỉm trần cho trẻ em có giá bán 1.400 đồng - 2.500 đồng/chiếc; bim bim 16.000 đồng/20 gói nhỏ... Theo một số tiểu thương ở chợ, các mặt hàng này đều được những người từ "trên phố" xuống bỏ mối, giá cả sẽ được chiết khấu thấp hơn giá chợ khoảng 20-30%. "Mua hàng tại đại lý lớn về bán thì chiết khấu thấp lắm, nên chúng tôi thường mua của những người rao vặt, vừa rẻ vừa được giao hàng tận nơi" - một tiểu thương bật mí.
Chợ Hải Minh chỉ là ví dụ điển hình về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn ngập ở các chợ quê hiện nay. Thậm chí, ngay cả các chợ tại các xã ở ngoại thành Hà Nội, tình trạng cũng diễn ra tương tự.
Nhiều loại sữa hộp, thực phẩm còn hạn sử dụng ngắn được chuyển về chợ quê tiêu thụ |
Lực bất tòng tâm?
Ông Phạm Văn Phú - Phó chủ tịch UBND xã Hải Minh cho biết: "Việc theo dõi, bắt giữ hay xử phạt hàng giả, hàng nhái thuộc chức năng của Chi cục Quản lý thị trường, cấp huyện trở lên, cấp xã không có chức năng quản lý hàng hóa trên địa bàn xã. Thỉnh thoảng quản lý thị trường huyện cũng về xã Hải Minh, lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm chất lượng, nhưng chưa bao giờ có thông báo kết quả về xã".
Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tràn lan ở các chợ quê, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi luôn nỗ lực nhiều nhất có thể để phối hợp với công an, thanh tra kiểm soát để phòng chống và ngăn chặn gian lận thương mại. Tuy nhiên, lực lượng quản lý quá mỏng, trong khi thủ đoạn để hàng nhái, giả, kém chất lượng "xâm nhập" thị trường ngày càng tinh vi, luôn có cách để "lọt lưới" cơ quan chức năng. Đúng là lực lượng quản lý thị trường chưa đủ sức để vươn tới những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Do đó, để kiểm soát chất lượng hàng hóa ở các chợ quê, chúng tôi rất cần sự phối kết hợp của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương và lực lượng quản lý thị trường các cấp..." .
No comments:
Post a Comment