Dù không yêu nhưng Tuấn vẫn đồng ý lấy vợ vì nhà vợ hứa cho vốn làm ăn. "Cưới xong rồi tính tiếp, lấy vốn làm ăn cái đã", anh phát biểu một câu "xanh rờn".
Chuẩn bị tổ chức đám cưới nhưng B. Tuấn (29 tuổi, HN) vẫn rất bình thản. Anh không hồi hộp, cũng không hào hứng bởi đám cưới với anh chỉ giống như một giao dịch làm ăn. Thế nên ảnh cưới anh cũng chỉ đi chụp qua loa, tuần trăng mật cũng không muốn đi dù hai người chưa " ăn cơm trước kẻng".
Tuấn quen vợ sắp cưới tình cờ trong một buổi tiệc sinh nhật bạn. Cô kém anh một tuổi, ngoại hình không nổi bật nhưng dịu dàng và biết nấu nướng. Gia đình cô khá giả, bố cô làm chủ thầu xây dựng nên nhà cửa, đất đai không thiếu. Còn gia đình Tuấn không giàu có, anh làm công ăn lương cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt.
Tìm hiểu nhau được gần 5 tháng thì nhà gái có ý giục cưới bởi con gái cũng đã nhiều tuổi. Vì anh chưa có nhà riêng nên nhà gái hứa sẽ cho một ngôi nhà, cùng với một số vốn để hai vợ chồng mở cửa hàng kinh doanh.
Tuấn cho biết, anh không yêu lắm, và cô cũng không phải tuýp phụ nữ mà anh muốn sống cùng suốt cuộc đời. Nhưng vì hiện tại anh không yêu ai, và nhà gái chủ động muốn anh làm đám cưới nên anh cũng gật đầu đồng ý.
"Mấy mối tình sâu nặng nhưng rồi cũng có đến được với nhau đâu. Đằng nào cũng là lấy vợ, lấy ai cũng thế thôi. Cưới xong rồi tính tiếp, lấy vốn làm ăn cái đã", Tuấn chia sẻ.
Anh bảo, cô ấy hiền, lại hiểu chuyện nên cuộc sống chung chắc cũng sẽ "dễ thở". Và nếu như cuộc sống hôn nhân không xuôi chèo mát mái thì vẫn có thể ly hôn: "Đâu phải ai lấy vợ cũng vì tình yêu. Biết đâu sống chung với nhau lại nảy sinh tình cảm. Còn cưới xong mà cảm thấy không hợp thì ly hôn", anh nói thêm.
Lấy vợ để đỡ mang tiếng "ế"
Kết hôn muộn, không chỉ riêng phái nữ, mà nam giới cũng phải đối mặt với nhiều áp lực từ gia đình và xã hội. Vì thế mà nhiều nam giới cũng có suy nghĩ "tặc lưỡi lấy vợ cho xong" để đỡ bị gia đình, bạn bè hỏi han.
Anh Hải, 33 tuổi, nghiên cứu viên của một viện nghiên cứu kinh tế cũng có suy nghĩ ấy. Thời sinh viên, anh chú tâm vào học hành nên chẳng yêu ai. Ra trường vừa đi làm không bao lâu thì lại kiếm được học bổng đi du học gần 2 năm. Trở về, lại tiếp tục công việc nghiên cứu, ít tiếp xúc với mọi người nên ở tuổi 33 anh vẫn độc thân.
Gia đình ra sức giục, bạn bè cứ gặp là hỏi "bao giờ cho ăn cỗ cưới", hết người này mai mối đến người khác mối mai nên anh Hải cũng muốn kiếm một người để cưới cho xong.
"Gia đình giục nhiều quá. Tôi là con trai một, hai cụ đã nghỉ hưu, ở nhà buồn nên hôm nào cũng bài ca quen thuộc giục tôi lấy vợ để hai cụ có cháu bế. Mẹ tôi còn bảo: "Cứ lấy đại một đứa về đây, cho tao đứa cháu bế bồng, rồi thích làm gì thì làm không ai quản". Nên tôi nghĩ, có mối nào phù hợp thì cưới luôn, chẳng cần yêu đương gì nữa", anh chia sẻ.
Hôn nhân là chuyện trọng đại của đời người. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức hết được điều này. Chuyên gia tâm lý Hoàng Hà, Trung tâm tư vấn tâm lý chia sẻ rằng, có không ít trường hợp vì sợ ế, vì bị gia đình giục, vì cô đơn mà tặc lưỡi lấy vợ, lấy chồng cho xong. Vẫn có những cuộc hôn nhân êm ấm dù không có tình yêu. Tuy nhiên, khi kết hôn mà không có sự tìm hiểu kỹ, khi sống với nhau sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, gia đình dễ tan vỡ.
No comments:
Post a Comment