Truyền thống hiếu học của người dân không thể bù đắp cho sự "ngây thơ" trong hoạch định các chủ trương, chính sách và công tác quản lý ở tầm vĩ mô |
Dự thảo đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (viết gọn là ĐMGD)" đã được Bộ GD&ĐT công bố.
Đề án đã qua chỉnh sửa tuy nhiên vẫn còn phải chờ ý kiến phê duyệt. Nhiều vấn đề lớn, mang tính định hướng, tầm nhìn như tư duy giáo dục, chiến lược phát triển con người (đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý, học sinh sinh viên), xã hội hóa giáo dục, đánh giá, thi cử... đã được thể hiện rất rõ trong đề án.
Có một vài vấn đề có lẽ cần phân tích thêm để làm sáng tỏ, trên tinh thần đó xin nêu một vài suy nghĩ.
Tầm nhìn của đề án là đến năm 2030, đổi mới phải đưa giáo dục nước ta "đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế". Tiến trình này dài hơn ba kế hoạch 5 năm một chút. Với cách thức làm việc của các bộ, ban ngành và đội ngũ cán bộ hiện nay, có thể dự báo trong 5 năm đầu tiên, ĐMGD sẽ mới chỉ là bước khởi động, lấy đà.
Đây không phải là một cách nhìn cực đoan nếu nhìn vào thực trạng nền GD Việt Nam trong mối liên hệ tổng thế chính trị, kinh tế, xã hội cũng như cách thức làm việc của các bộ phận liên quan. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin đề cập đến mấy nội dung: Giáo dục và truyền thống, Giáo dục và kinh tế, Giáo dục và nền tảng đạo đức xã hội, Giáo dục và cơ chế.
Giáo dục và truyền thống Đánh giá thực trạng giáo dục đào tạo Việt Nam, đề án thừa nhận: "những thành tựu, kết quả quan trọng của giáo dục bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc, sự ưu tiên đầu tư của các gia đình cho việc học tập của con em mình..."
Đây là một sự thật đáng buồn bởi truyền thống hiếu học được xếp hàng đầu trong những nguyên nhân đóng góp vào thành tựu giáo dục trong 60 năm qua (tính từ 1954). Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt, nét nổi bật là truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, truyền thống hiếu học, nếu bao gồm thêm cả sự sáng tạo, phát minh không biết có đứng hàng thứ 2 hay không nhưng chắc chắn không phải hàng đầu.
Cho đến nay chưa tìm thấy tài liệu nào khẳng định người Việt có truyền thống phát minh, sáng chế trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng lại có nhiều bằng chứng cho thấy người Việt rất sáng tạo trong lĩnh vực chiến trận, chẳng hạn việc sáng chế ra nỏ Liên Châu của tướng quân Cao Lỗ thời An Dương Vương, việc đóng cọc trên sông Bạch Đằng thời Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo chống bọn xâm lược phương bắc, hay việc tiêu diệt pháo đài bay B52 thời hiện đại.
Nhìn ra thế giới, trong số trên 800 người nhận giải Nobel thì người Do Thái (hoặc gốc Do Thái) là 181, chiếm 22% [1]. Từ năm 722 trước công nguyên, sau khi người xứ Assyria chinh phục vương quốc Israel, người Do Thái buộc phải sống lưu vong cho đến tận năm 1945, sau khi chiến tranh thế giới 2 chấm dứt, nhà nước Israel được tái lập. Dù vậy gần 3.000 năm qua, đi đến đâu họ cũng tỏ ra là một dân tộc có sức sống dẻo dai, không bị đồng hoá và ý thức vươn lên mãnh liệt [2].
Truyền thống hiếu học của người Việt hình như lại không đồng nhất với truyền thống dân tộc. Những lao động người Việt ở lại đông Âu, khi mà chính họ còn chưa thông thạo tiếng sở tại thì con cái họ đã xem tiếng Việt là một ngoại ngữ khó học và khó nhớ. Khá nhiều thiếu niên gốc Việt tham gia trại hè tại Việt Nam không nói được tiếng Việt cho thấy cần có cái nhìn tỉnh táo về truyền thống.
Còn ở trong nước có thể nói trẻ em ngày nay được đào tạo theo hình thức "để bầu thì tròn, để ống thì dài", ngoài sự bắt chước, không còn gì khác. Truyền thống hiếu học không có tác dụng trong một nền giáo dục cứng nhắc, cổ điển.
Có quá nhiều bằng chứng cho thấy càng học lên cao học sinh, viên càng lười biếng, càng không có động lực học tập, hầu như không còn bóng dáng của sự hiếu học. Sự thật này cho thấy không thể dựa mãi vào truyền thống hiếu học để phát triển giáo dục.
Đích đến của giáo dục Việt Nam hiện đại là gì? Giáo dục phải mang lại cho thế hệ trẻ sự khao khát sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, phải làm cho người Việt tự tin vào khả năng sáng tạo của bản thân mình. Giáo dục phải trang bị cho người học những kiến thức mà các nhà máy, công trường... cần chứ không phải sự "hàn lâm" mà các nhà sư phạm có.
Nền giáo dục "bắt chước" nhiều thập kỷ qua đã bóp chết sáng tạo, đã thấm sâu đến mức khiến cho một bộ phận không ít người xem sự học mót là một biểu hiện của trí tuệ. Hãy nhìn các nghệ sĩ "múa lót" phía sau ca sĩ, hay những màn múa hoành tráng trong các sân khấu ngoài trời, quanh đi quẩn lại chỉ là động tác nhảy tung chân ra phía trước theo kiểu "Hồ Thiên nga", không những không có sáng tạo mà nếu để ý kỹ còn thấy mấy cái ống chân khoằng khèo duỗi còn chưa thẳng chứ đừng nói vung cao ngang đầu.
Đúng là chúng ta có quyền tự hào về truyền thống hiếu học. Hình ảnh các cháu bé ôm cây chuối vượt sông đi tìm con chữ, những bà mẹ bán hàng rong hay ông bố ngủ trong ống cống dành tiền cho con học đại học có thể tìm thấy ở nhiều nơi, kể cả giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Tuy thế theo một tài liệu của Liên hiệp quốc về phát triển nhân loại [3], Việt Nam chỉ xếp thứ 82/175 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ dân số biết đọc, biết viết (90,3%), còn theo số liệu thống kê năm 2009 của Tổng cục Thống kê thì tỷ lệ này là đối với vị thành niên và thanh niên là 92,8% [4].
Ngân hàng thế giới trong báo cáo: "Việt Nam: Nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người đến năm 2020", đánh giá: "Giáo dục Việt nam có thành tích lớn về định lượng trong một thời gian ngắn, đồng nghĩa với thành công trong phổ cập giáo dục trên diện rộng...".
Người ta khen chúng ta về "lượng" chứ không phải về "chất". Liệu có nên vui mừng với đánh giá đó không, khi mà ngay trong thập kỷ đầu tiên của thế kỳ 21, gần 8% thanh thiếu niên, những người chủ tương lai của đất nước vẫn còn mù chữ? Trong khi thế giới có trên 30 nước tỷ lệ biết đọc biết viết là từ 99,3% đến 99,9%.
Nếu không có truyền thống hiếu học, nếu không có những thầy cô giáo đành lòng chấp nhận bữa cơm rau rừng với nhái và nòng nọc thì tỷ lệ mù chữ của con trẻ sẽ là bao nhiêu phần trăm?
Cần phải nói thêm rằng thế giới ngày nay đưa ra ba tiêu chí cho sự "biết đọc biết viết" gồm:
- Đọc được những gì viết trên sách báo, viết được ý kiến của mình;
- Nhìn hiểu các biển báo (giao thông...), các tín hiệu, ký hiệu (trên các kiện hàng...);
- Biết sử dụng máy tính cá nhân.
Tổng hợp cả ba tiêu chí này, tỷ lệ biết đọc, biết viết của dân ta chắc hẳn không đến 50%.
Truyền thống hiếu học của người dân không thể bù đắp cho sự "ngây thơ" trong hoạch định các chủ trương, chính sách và công tác quản lý ở tầm vĩ mô. Nói một cách nhẹ nhàng như GS Hoàng Xuân Sính thì: "Nếu người làm luật chú ý một chút thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp".
Có thể thấy truyền thống hiếu học đang bị lạm dụng mọi lúc, mọi nơi. Ở cấp học thấp nhất, cấp nhà trẻ, mẫu giáo nó hiện hình dưới dạng các khoản đóng góp mang tên "tự nguyện". Ở bậc phổ thông xin hãy đọc mà không cần bình luận bức thư có đóng dấu treo của Ban giám hiệu Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (Đồng Hới-Quảng Bình):
"Nay BGH (ban giám hiệu) và HPH (hội phụ huynh) trường nhờ sự động viên của quý bậc PH xin hỗ trợ tiền mua bàn ghế (tối thiều với K5-100000/1HS, K2-3-4-200000/1HS, đối với lớp 1 đã ủng hộ 300000/1HS)" [5].
Truyền thống hiếu học là sự đóng góp lớn nhất cho thành tích xóa nạn mù chữ của toàn ngành chứ không phải là tầm nhìn chiến lược hay sự chỉ đạo của các cấp. Giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống đòi hỏi phải có sự chọn lọc. Nền giáo dục ngày xưa là nền giáo dục quan trường, mục tiêu là đào tạo các "phụ mẫu" của dân. Ngày nay, "nét đẹp" này đã bị hiểu sai và được "phát huy" một cách thiếu khoa học dẫn tới 70% GS, TS cả nước không làm nghiên cứu, giảng dạy mà là làm lãnh đạo, quản lý.
Dựa vào truyền thống nhưng bản thân Giáo dục lại không thể duy trì và phát huy truyền thống ấy trong chính những sản phẩm đào tạo của mình, càng học lên cao số lượng học sinh, sinh viên lười biếng càng nhiều. Sự lười biếng làm con người ngu dốt, sự ngu dốt biến con người hoặc thành kẻ khùng hoặc thành kẻ cam phận không có ý chí vươn lên. Cả hai loại người đó đều không phải là "chuẩn đầu ra" của một nền giáo dục hiện đại.
Truyền thống chỉ có thể sử dụng như một đòn bẩy chứ không thể là phương tiện để phát triển giáo dục.
No comments:
Post a Comment